Hôm nay, 22-8, chính là ngày chúng ta đã tiêu thụ hết năng lượng tự nhiên có thể tái tạo trong năm 2020 của Trái đất, chậm hơn 24 ngày so với ngày Trái đất vượt ngưỡng phục hồi của năm ngoái là 29-7 nhờ Covid-19.
Hôm nay, 22-8, chính là ngày chúng ta đã tiêu thụ hết năng lượng tự nhiên có thể tái tạo trong năm 2020 của Trái đất, chậm hơn 24 ngày so với ngày Trái đất vượt ngưỡng phục hồi của năm ngoái là 29-7 nhờ Covid-19.
Covid-19 giúp giảm 9,3% dấu chân sinh thái của nhân loại
Ngày Trái đất vượt ngưỡng phục hồi (Earth Overshoot Day) là thời điểm mà nhân loại tiêu thụ hết lượng tài nguyên mà Trái đất có thể đáp ứng cho cả năm. Năm 2020, do dịch Covid-19, ngày Trái đất vượt ngưỡng phục hồi đã lùi lại hơn ba tuần so với năm ngoái.
Theo nghiên cứu do Mạng lưới Dấu chân sinh thái toàn cầu (Global Footprint Network – GFN), một tổ chức nghiên cứu quốc tế thực hiện, việc phong tỏa, giãn cách do Covid-19 gây ra đã làm giảm 9,3% dấu chân sinh thái của nhân loại so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, nếu tiếp tục tiêu thụ tài nguyên sinh thái với tốc độ hiện tại, chúng ta vẫn cần một lượng tương đương 1,6 lần lượng tài nguyên Trái đất có thể cung cấp.
Tính toán của GFN dựa trên những thay đổi về lượng khí thải carbon, khai thác rừng, nhu cầu lương thực, và các yếu tố khác. Báo cáo nghiên cho thấy, so với năm 2019, năm nay, dấu chân các-bon đã giảm 14,5%, dấu chân lâm sản giảm 8,4% và không có sự thay đổi về dấu chân lương thực. Kết quả của tất cả các phép ngoại suy dữ liệu và các yếu tố được phân tích, báo cáo đưa ra kết luận, Ngày Trái đất vượt ngưỡng phục hồi năm 2020 là 22-8.
Chủ tịch GNF Mathis Wackernagel cho biết: “Ngày Trái đất vượt ngưỡng phục hồi là một cách để minh họa quy mô của thách thức sinh học mà chúng ta phải đối mặt”.
Mặc dù Tiến sĩ Wackernagel cho biết dữ liệu năm nay rất đáng khích lệ, nhưng ông kêu gọi cần phải đạt được những tiến bộ hơn nữa “do hành động chứ không phải nhờ thảm họa”.
Các chuyên gia đang cảnh báo rằng cần phải có nhiều hành động hơn nữa để giảm dấu chân sinh thái của chúng ta và bảo đảm chúng ta tránh được “những dự đoán tồi tệ nhất” đối với nhân loại.
Con người hiện đang sử dụng nhiều hơn 60% tài nguyên sinh vật so với khả năng Trái đất có thể tái tạo, nhiều như thể chúng ta sống trên 1,6 hành tinh, và đang trên đà cần đến tài nguyên của hai Trái đất trước năm 2050.
Nếu tiêu thụ tài nguyên như Việt Nam, ngày 8-10, Trái đất mới vượt ngưỡng phục hồi
Sự chậm lại hơn ba tuần giữa các ngày Trái đất vượt ngưỡng phục hồi vào năm 2019 và năm 2020 thể hiện sự thay đổi lớn nhất từ trước đến nay trong một năm kể từ khi xảy ra hiện tượng Trái đất vượt ngưỡng phục hồi bắt đầu vào những năm 1970.
Những năm 1970, Ngày Trái đất vượt ngưỡng phục hồi chỉ đến vào tháng 11 hoặc tháng 12. Kể từ đó, dân số gia tăng và mức tiêu thụ bình quân đầu người ngày càng tăng đã chứng kiến Ngày Trái đất vượt ngưỡng phục hồi diễn ra sớm hơn hằng năm với tốc độ đáng báo động. Mốc 29-7 vào năm ngoái là thời điểm sớm kỷ lục, và đó là lần đầu tiên ngày này đã diễn ra vào tháng 7.
Mạng lưới Dấu chân sinh thái toàn cầu năm nay đã tính toán thời điểm diễn ra Ngày Trái đất vượt ngưỡng phục hồi theo từng quốc gia để phỏng đoán ngày vượt ngưỡng nếu tất cả dân số thế giới tiêu thụ tài nguyên như quốc gia đó.
Theo đó, nếu thế giới có thói quen tiêu dùng năng lượng của Qatar, thì ngày Trái đất vượt ngưỡng phục hồi sẽ đến vào 11-2. Con số này khiến quốc gia vùng Vịnh trở thành nước có hành vi vi phạm tồi tệ nhất thế giới.
Nổi tiếng với thói quen tiêu dùng hoang phí, Mỹ đứng thứ 5 trong số những quốc gia có ngày vượt ngưỡng sớm nhất – ngày 14-3, trong khi Vương quốc Anh đứng thứ 27 trong danh sách với ngày 16-5.
Đất nước Indonesia nghèo đói tiêu thụ tài nguyên ít hơn so với bất kỳ quốc gia nào khác. Và nếu tất cả chúng ta đều sống như Indonesia, Ngày Trái đất vượt ngưỡng phục hồi sẽ đến vào tận cuối năm, ngày 18-12.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), trong số dân khoảng 267,3 triệu người, có khoảng 25,1 triệu người Indonesia vẫn sống dưới mức nghèo khổ.
Và theo GFN, nếu tiêu thụ tài nguyên như Việt Nam, giới hạn Trái đất vượt ngưỡng phục hồi là vào ngày 8-10.
Nhìn chung, phát thải khí nhà kính do đốt than, dầu và khí đốt đóng góp rất lớn vào dấu chân sinh thái của nhân loại.
Loài người đang vay nợ Trái đất theo mô hình Ponzi
Mô hình Ponzi là hình thức vay tiền của người này để trả nợ người khác. Chủ tịch Mạng lưới Dấu chân sinh thái toàn cầu Wackernagel cho rằng: “Chúng ta đang sử dụng tương lai để trả cho hiện tại theo mô hình Ponzi”.
“Hầu hết các quốc gia có luật quy định khá nghiêm ngặt về các doanh nghiệp chạy các chương trình Ponzi, nhưng bằng cách nào đó trong lĩnh vực sinh thái, chúng ta lại nghĩ là bình thường. Chúng ta chỉ có một hành tinh và điều đó sẽ không thay đổi. Chúng ta có một lựa chọn rất đơn giản, một hành tinh thịnh vượng hoặc một hành tinh khốn khổ”, Tiến sĩ Wackernagel cảnh báo.
Các cuộc khủng hoảng kinh tế trước đây cũng đã tạm thời lùi lại thời gian của Ngày Trái đất vượt ngưỡng phục hồi, chẳng hạn như cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008 đã khiến ngày này chậm đi 5 ngày.
Tiến sĩ David Lin, Giám đốc khoa học của GNF, người đứng đầu nhóm nghiên cứu giải thích: “Năm nay đặc biệt khó khăn vì chúng tôi muốn đưa ra dấu hiệu về cách Covid-19 ảnh hưởng đến kết quả”.
Nghiên cứu của Tiến sĩ Lin cho thấy năm nay lượng khí thải CO2 đã giảm đáng kể ở mức 14,5% so với cùng kỳ năm trước và lĩnh vực thương mại lâm nghiệp giảm 8,4%.
Ông Mike Childs, người phụ trách bộ phận nghiên cứu khoa học và chính sách của Mạng lưới quốc tế Những người bạn của Trái đất (Friends of the Earth) cảnh báo rằng: “Sự cải thiện của năm nay trong cách chúng ta sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên chỉ là do Covid-19 và các đợt phong tỏa, giãn cách. Trừ phi có sự thay đổi đáng kể trong cách chúng ta hành động, còn nếu không, tình hình có thể sẽ trở lại bình thường, hoặc tệ hơn, trong những năm tiếp theo”.