Ngày 21/1/2016, UBND TP Uông Bí đã ban hành Đề án 125/ĐA-UBND về phát triển vùng sản xuất nông nghiệp tập trung (gọi tắt là Đề án 125). Sau 4 năm triển khai, Đề án 125 đã giúp cho sản xuất nông nghiệp thành phố duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định, từng bước đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp, gắn sản xuất với tiêu thụ. Tuy nhiên, một số kết quả vẫn chưa đạt được so với kỳ vọng đặt ra.
Đề án 125 có tổng vốn 117 tỷ đồng, trong đó ngân sách thành phố 36 tỷ đồng, vốn của doanh nghiệp 41 tỷ đồng và đối ứng của người dân 40 tỷ đồng. Mục tiêu của Đề án là hình thành và phát triển 7 vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, gồm các vùng: Vải chín sớm Phương Nam (350ha), thanh long ruột đỏ (100ha), mai vàng Yên Tử (15ha), mơ lông Yên Tử (15ha), nuôi trồng thủy sản (115ha), rau an toàn (47ha) và cây thông nhựa (1.600ha).
Hướng tới mục tiêu này, thành phố đã tiến hành đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ các dự án mô hình kỹ thuật, đưa các công nghệ sinh học, giống cây trồng, vật nuôi nâng cấp sửa chữa các tuyến đường giao thông nội đồng, kênh tưới tiêu, hệ thống điện cho các vùng sản xuất, vận động người dân mở rộng thêm diện tích sản xuất… Đây là điều kiện tốt để các vùng sản xuất tập trung của thành phố phát huy hiệu quả.
Điển hình như đối với vùng sản xuất vải chín sớm Phương Nam, năm 2017, Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp thành phố thực hiện mô hình thử nghiệm kỹ thuật cắt tỉa và bao quả trên cây vải với tổng kinh phí trên 516 tỷ đồng (ngân sách thành phố hỗ trợ 233 triệu đồng); từ năm 2016 đến năm 2020 đầu tư xây dựng mới và sửa chữa 7 công trình hạ tầng sản xuất với giá trị đầu tư hỗ trợ trên 10 tỷ đồng. Năm 2018, thực hiện chỉ đạo của tỉnh về việc triển khai sản xuất vải chín sớm Phương Nam theo quy trình VietGAP, ngân sách thành phố đã hỗ trợ gần 6,8 tỷ đồng cho dự án này. Đến nay, vùng vải chín sớm Phương Nam Uông Bí có diện tích trên 400ha (vượt kế hoạch trên 50ha) và là một trong 2 vùng trồng vải có diện tích lớn tập trung trên địa bàn tỉnh (chỉ sau TX Đông Triều). Năm 2020, doanh thu từ vùng sản xuất vải chín sớm Phương Nam đạt 120 tỷ đồng.
Tuy nhiên, bên cạnh những hiệu quả mang lại, các vùng sản xuất tập trung vẫn còn không ít tồn tại, bất cập, khó duy trì và phát triển mở rộng được. Lấy ví dụ với vùng trồng mơ lông Yên Tử, nguyên liệu để sản xuất rượu mơ Yên Tử (sản phẩm OCOP của tỉnh). Trong quá trình thực hiện, xã Thượng Yên Công và phường Phương Đông đã gặp nhiều khó khăn về quỹ đất do địa hình phân tán, đồi núi dốc, nhiều người dân không muốn chuyển đổi sang trồng cây mơ lông Yên Tử. Công đầu tư trồng và chăm sóc cũng mất nhiều thời gian, từ khi trồng đến thu hoạch kéo dài 4-5 năm nên nhiều hộ dân ỷ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, bỏ mặc cây tự sinh trưởng và phát triển. Vì vậy, với 15ha trồng mới từ năm 2016 nhưng đến nay, tỷ lệ cây mơ lông Yên Tử còn sống và sinh trưởng tốt đạt rất thấp, chỉ khoảng 30% so với số cây trồng ban đầu, khó duy trì và phát triển được trong thời gian tới.
Đối với vùng trồng thông nhựa, thành phố quy hoạch đến năm 2020, tổng diện tích trồng đạt 5.435ha và giao kế hoạch cho 8 xã, phường và các chủ rừng trồng mới 1.600ha. Thế nhưng, đến hết năm 2020, tổng diện tích thông nhựa trên địa bàn thành phố mới đạt 4.210ha, trong đó, diện tích trồng mới chỉ đạt 375ha (đạt 23% kế hoạch). Nguyên nhân chính là do nguồn giống thông nhựa không đủ, thời gian sinh trưởng lên tới 20 năm nên các hộ dân cũng không mặn mà chuyển đổi và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Uông Bí đang thực hiện cổ phần hóa nên không tham gia thực hiện trồng mới. Điều này cũng khiến cho việc triển khai không đạt được mục tiêu đặt ra.
Các vùng sản xuất tập trung còn lại cũng đang gặp không ít khó khăn khi diện tích đất canh tác đang sản xuất nông nghiệp của người dân phần lớn nằm vào các quy hoạch khác của thành phố và của tỉnh. Thị trường tiêu thụ không ổn định, mức hỗ trợ từ nguồn ngân sách thấp, cơ chế hỗ trợ sau đầu tư, thủ tục hồ sơ đề nghị hỗ trợ phải trải qua nhiều bước theo quy định… Đồng chí Mai Văn Dự, Trưởng phòng Kinh tế TP Uông Bí cho biết: Trên cơ sở đánh giá kết quả đạt được và những tồn tại hạn chế của Đề án 125, hiện thành phố đang xây dựng Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2040. Trong Đề án mới sẽ lập quy hoạch chi tiết, cụ thể rõ ràng gắn với các quy hoạch tổng thể chung và quy hoạch phân khu chức năng và các quy hoạch khác của tỉnh, thành phố để đảm bảo tính lâu dài bền vững khi đầu tư phát triển. Đồng thời, thành phố cũng sẽ chú trọng các giải pháp thực hiện, mục tiêu, kế hoạch sát với điều kiện thực tế của từng vùng sản xuất và quan tâm xem xét tính ưu đãi đối với sản phẩm có tính đặc thù của địa phương để tạo đột phá trong nông nghiệp, xây dựng sản phẩm thương hiệu đặc thù địa phương.