Với sự nở rộ của việc mua sắm online, hàng chục đợt ‘siêu giảm giá’ được tổ chức quanh năm, nhiều người không còn mong ngóng dịp Black Friday như trước đây.
Là tín đồ săn hàng giảm giá nhưng Trang Hà (nhân viên văn phòng) không mấy quan tâm tới dịp Black Friday năm nay. Bởi trước đó nửa tháng, cô nàng 25 tuổi đã chi hết nửa tháng lương để mua hàng trong dịp 11/11 – vốn là đại hội mua sắm của Trung Quốc, đang lan tỏa rộng ở nhiều nước trong những năm gần đây.
Hà còn nhớ đêm hôm đó, chỉ sau một hồi lướt trên app, giỏ hàng của cô đã có vài chục món. Có cái tiền triệu, nhiều món có giá 300.000-700.000 đồng, cả những món hàng chỉ 1.000 đồng mà các shop “siêu hạ giá” để hút tương tác.
“Mình thức tới 2h để săn hàng giảm giá. Sáng hôm sau lên văn phòng vẫn ngồi canh đến giờ shop mở flash sale để kịp mua. Có một số nhãn hàng ít khi giảm, mình sợ chậm chân một chút sẽ hết”, cô kể với Zing.
Tất cả đồ đều được cô thanh toán trước qua ví điện tử.
“Thanh toán qua thẻ nên dù tin báo trừ tiền kêu ting ting trên điện thoại, mình không cảm nhận được việc tiền đã đi ra khỏi túi. Đến lúc nhìn lại số dư mới hoảng hốt khi gần 8 triệu đồng đã bốc hơi. Từ hôm đó đến nay mình phải chật vật vì hết tiền, cuối tháng chưa có lương nên cũng không còn buồn nghĩ đến Black Friday nữa”.
Giống như Trang Hà, nhiều người không còn mặn mà với dịp Black Friday. Sự nở rộ của việc mua hàng online, nhiều đợt giảm giá liên tục khiến khách hàng không chờ đợi “ngày thứ sáu đen” như mọi năm.
“Thợ săn sale”
Đó là biệt danh bạn bè và đồng nghiệp thường gọi Khánh Linh (Hà Nội). Điện thoại của cô cài nhiều app để mua hàng online như Tiki, Shopee, Lazada… Linh cũng tham gia gần 10 nhóm chuyên săn hàng giảm giá, chia sẻ kinh nghiệm mua hàng trên mạng xã hội.
Từ đợt dịch Covid-19 bùng phát vào đầu năm nay, trừ quần áo phải đến tận cửa hàng thử mới dám mua, gần như mọi thứ Linh đều đặt qua mạng rồi chờ người giao đến. Không riêng Linh, có rất nhiều người cô quen biết cũng đam mê săn hàng giảm giá, sẵn sàng thức thâu đêm để “giật” được món đồ ưng ý.
Không chỉ đặt hàng cho mình, Linh còn được bạn bè nhờ “canh sale” để đặt giúp, vì cô luôn sẵn mã giảm giá, miễn phí giao hàng.
Có những tháng, gần như ngày nào cũng có shipper giao hàng đến dưới cổng cơ quan nơi cô làm việc. Không gặp được Linh, shipper chỉ cần đọc tên rồi đưa cho bảo vệ nhận giúp, cô sẽ gửi tiền sau.
Song Linh nói rằng vì những đợt khuyến mại được tổ chức liên tục, đều đặn khiến cô và nhiều người xung quanh đang dần mất đi sự háo hức chờ đợi như trước.
“Từ đầu năm đến nay, mình đếm không hết những đợt siêu giảm giá từ các sàn thương mại đến riêng các nhãn hàng. Mỗi tháng phải có 1-2 đợt như vậy, ngày 10/10, 11/11, sắp tới là 12/12. Được xem là đợt giảm giá lớn, nhưng ‘ngày thứ sáu đen tối’ năm nay không đặc biệt lắm. Mình săn đồ giảm giá quanh năm chứ không còn đợi đến Black Friday”.
Là tín đồ săn sale, Khánh Linh từng rơi vào không ít trường hợp “giật” hàng giảm giá ảo.
“Có lần nhãn hàng mỹ phẩm yêu thích thông báo chỉ giảm giá trong 2 tiếng, từ 0h. Mình đã thức để mua một lọ dưỡng ẩm giá 325.000 đồng, giảm 50% so với giá gốc. Nhưng hết flash sale, giá cũng không hề thay đổi. Đã mất công chờ đợi, lại bị hớ như vậy khiến mình có chút bực bội”, cô kể.
Sau thời gian thường xuyên mua đồ qua mạng, săn hàng trong các đợt giảm giá, Khánh Linh rút ra nhiều kinh nghiệm để không phạm sai lầm.
Trước đây, cô thường nóng lòng khi thấy quảng cáo “giảm giá khủng”, “sale up to” và quyết định mua ngay, sau đó hối hận vì về nhà không dùng tới. Hiện tại, trước mỗi đợt giảm giá lớn, cô thường cân nhắc kỹ đến túi tiền, giá trị sản phẩm, mức độ cần thiết để xem có nên mua hay không.
“Những cụm từ như ‘siêu giảm giá’, ‘giảm giá sốc’ không có sức hút như trước. Nhưng mình vẫn thích cảm giác mua được những món hàng giá hời, nên vẫn sẽ kiên nhẫn chờ các đợt giảm giá để mua”, cô bày tỏ.
Đồ mua Black Friday năm ngoái, năm nay vẫn chưa thanh lý hết
Biết đến khái niệm Black Friday từ những ngày học cấp 3, Ngọc Mai (23 tuổi) nhẩm đếm cô đã cũng có 5-6 năm “vung tiền” cho đợt giảm giá diễn ra vào mỗi cuối tháng 11 này.
Những năm về trước, Mai vẫn thường sẵn sàng cùng mẹ đứng xếp hàng, chen chân trong dòng người chật chội trong trung tâm thương mại để mua bằng được đôi giày được “discount” ít nhất 30%. Dù mệt mỏi, hai mẹ con vẫn thường tươi cười phấn khởi khi hiếm khi ra về tay không mà luôn tay xách nách mang, túi to túi nhỏ.
Nhưng năm nay, những bảng hiệu mời chào mức sale khủng được in nổi bật không còn khiến cô bạn háo hức như xưa. Lý do chính là phần lớn những pha mua hàng theo cảm hứng thường dẫn đến cảm giác hối hận, “không hiểu sao lúc đó lại khuân món đồ này”.
Lật giở album thanh lý váy áo, túi xách trên trang cá nhân của mình, Mai đếm được đến gần chục món hàng mua từ đợt Black Friday năm ngoái vẫn chưa “pass” lại được cho ai.
“Chiếc túi màu hồng này quá sến sẩm. Cái áo màu tím này mặc vào như cộng thêm 10 tuổi. Đôi dép này không hợp với phong cách thường ngày của mình”, cô nhắc về những thứ từng hết sức “vơ vét”.
Mai cho biết “cai” được căn bệnh mua sắm bất chấp là cả nỗ lực lớn bởi cô rất dễ mềm lòng trước hai chữ “giảm giá”.
“Các chương trình đại hạ giá hấp dẫn được các nhà bán lẻ nhấn mạnh chỉ có cơ hội duy nhất trong năm, cộng với tâm lý ‘ai cũng mua, chẳng nhẽ mình lại không’ khiến chúng ta rất dễ vung tay quá trán. Do đã nhiều lần rơi vào ‘cái bẫy’ mua hàng đó rồi nên mình cũng phải tỉnh hơn thôi”, cô nói.
Dù nói vậy, Mai thừa nhận cô vẫn không thể hoàn toàn từ bỏ thói quen săn đồ sale vào dịp này vì “nếu may mắn, vẫn tậu được đồ đẹp giá hời”.
Nhưng năm nay, cô thay đổi chiến thuật, chuyển sang săn sale online trên các trang thương mại điện tử, lên danh sách từng món đồ định mua để tránh cảnh mua tràn lan, không suy nghĩ.
“Mình đã chán cảnh đứng mỏi nhừ cả chân, người ra đầy mồ hôi, giành giật với những khách hàng khác. Săn sale online tiết kiệm công sức hơn, nếu được cộng gộp nhiều ưu đãi, số tiền bỏ ra càng ít hơn. Vậy sẽ giảm thiểu tối đa tình trạng mình shopping bốc đồng, mua về bỏ xó”, Mai nói.
“Vất vả nhưng xứng đáng”
Dù “ngày thứ sáu đen” đang dần mất đi sức hút, nhiều người yêu thích mua sắm vẫn xem đây là dịp để chi tiền. Thanh Thảo (24 tuổi) làm công việc nhận order đã một năm. Cô đúc kết được nhiều kinh nghiệm săn hàng các dịp giảm giá.
Thảo cho biết những nhãn hàng thường sale lẻ tẻ trước 1 tuần, tới ngày Black Friday sẽ tiếp tục giảm sâu hơn nữa. Vậy nên, “thứ sáu đen” là dịp không thể bỏ lỡ để vừa làm ăn, vừa kiếm đồ đẹp cho bản thân.
Từ giữa tháng 11, cô đã theo dõi kế hoạch giảm giá của các thương hiệu, tích cực đăng ảnh chào mời khách nhanh chóng order. Bên cạnh danh sách đồ khách đặt, cô còn lên list những gì cần mua cho bản thân.
Đăng ký nhận bản tin (newsletter) của hãng để nhận được thông báo sale sớm nhất. Sáng nào cũng vào website, ứng dụng của hãng để xem đồ nào giảm giá.
Đến đúng ngày cô canh giờ, canh size vì “mấy deal hot hết trong vòng nửa tiếng”. Cho vào giỏ hàng phải mau chóng thanh toán. Check các mặt hàng liên tục xem hãng có restock thêm hay giảm giá nữa hay không.
“Từng hãng sẽ có quy chế sale khác nhau. Trong mỗi hãng lại áp dụng nhiều cách thức khuyến mãi cho các sản phẩm, có cái sale theo giờ, có cái sale theo ngày, vì vậy mình phải theo dõi liên tục”, cô kể. Cũng không ít lần, cô chấp nhận giật hụt vì có người nhanh tay hơn.
Những trải nghiệm mua hàng dịp Black Friday được cô miêu tả bằng cụm từ “vất vả nhưng xứng đáng”. “Đặt hàng, thanh toán thành công đem lại cảm giác rất phấn khích, giống như vừa chiến thắng một cuộc đua vậy”, cô so sánh.
“Mình từng rất thích một đôi giày Adidas nhưng giá khá ‘chát’, chưa dám rút ví. Cuối cùng, mình canh sale, mua được em nó với giá chỉ 600.000 VNĐ. Lúc hàng về, đi vào mà cảm giác sung sướng vẫn còn. Sự hấp dẫn khi săn được món đồ đẹp, tăm tia từ lâu với mức giá rẻ đến bất ngờ đúng là có ma lực”, Thảo kết luận.
Thảo thừa nhận dù giờ không khó để mua hàng giá rẻ quanh năm, Black Friday vẫn là dịp nhiều người sẵn sàng vung tay mua sắm. Một phần vì thói quen shopping khó bỏ, mặt khác đây là thời điểm nhiều hãng có chất lượng tốt, giá thành cao mạnh tay chiết khấu.
Ngoài ra, với những người đã bỏ lỡ các dịp giảm giá khác, “thứ sáu đen” sẽ là cơ hội cho họ thỏa thích sắm sửa vì mọi ngành hàng đều tận dụng dịp này để thúc đẩy doanh số.