Cùng với xuất khẩu, ngành cà phê Việt đang đặt mục tiêu nâng tỷ lệ tiêu thụ nội địa từ mức 13% ở hiện tại lên khoảng 30% trong thời gian tới. Để làm được, các doanh nghiệp trong ngành này đang tăng chế biến sâu, đầu tư cho sản phẩm chất lượng nhằm nâng cao nhận diện thương hiệu tới người tiêu dùng Việt.
Cách đây 10 năm, tỷ lệ cà phê tiêu thụ nội địa của Việt Nam chỉ đạt mức 6-7% tổng lượng sản xuất thì tới nay đã đạt 13%. Kết quả này có được, theo ông Nguyễn Nam Hải – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa), là nhờ sự đầu tư của các doanh nghiệp cũng như các hoạt động kích cầu nội địa của Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan.
“Sau 10 năm, bình quân cà phê tiêu thụ nội địa của Việt Nam đã tăng từ 0,5 lên 2 kg/người/năm – cho thấy sự tăng trưởng của thị trường nội địa rất tốt. Dù vậy khi so với các nước khác như Mỹ, Brasil, Phần Lan… thì tỷ lệ tại Việt Nam vẫn còn thấp. Do đó chúng tôi đặt mục tiêu sẽ nâng tỷ lệ cà phê nội địa lên 25-30%, tương đương với các nước sản xuất cà phê lớn trên thế giới như Brazil, Indonesia”, ông Hải cho biết.
Để đạt được mục tiêu này, Vicofa cho rằng doanh nghiệp cà phê phải đầu tư vào chế biến sâu và thương hiệu, tạo ra nhiều thương hiệu có uy tín, chất lượng tốt hơn. Theo ông Lương Văn Tự – Chủ tịch của Vicofa – trong thời gian tới, ngành cà phê tập trung xác định không tập trung tăng diện tích mà tăng năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng. Lý do, không chỉ trên thế giới mà tại nội địa, người tiêu dùng cũng cần có sản phẩm cà phê chất lượng tốt từ nguyên liệu, đến pha chế cũng như cách tiếp cận – quảng bá của doanh nghiệp.
Với định hướng rõ ràng từ Hiệp hội, tới nay nhiều doanh nghiệp cà phê lớn nhỏ đều đang có những bước đi cụ thể trong tiếp cận nội địa. Chẳng hạn Công ty CP Tập đoàn Intimex, Công ty CP Tổng công ty Tín Nghĩa, Phúc Sinh Group, Tập đoàn Trung Nguyên… đã đầu tư nhà máy chế biến cà phê hiện đại, đồng thời phát triển thương hiệu tại các kênh phân phối siêu thị, đại lý. Ông Phan Minh Thông – Chủ tịch HĐQT của Phúc Sinh Group – chia sẻ, trước đây công ty không chú trọng vào nội địa nhưng kể từ khi dịch xảy ra đã có những chiến lược bài bản, phù hợp hơn. Từ đó giúp doanh thu nội địa trong các tháng vừa qua của Phúc Sinh đã tăng 200% so với thời điểm trước dịch. Hiện Phúc Sinh đang tiếp tục nâng tỷ lệ nội địa lên qua việc nghiên cứu và ra mắt những sản phẩm mới hợp với thị hiếu của người Việt, đồng thời phát triển kênh bán hàng online.
Trong khi đó, với các doanh nghiệp mới như Real Bean Coffee, HTX Nông nghiệp RO FC, HTX Mỹ Lệ… lại chọn cách tiếp cận người tiêu dùng bằng những sản phẩm khác biệt như: Cà phê kết hợp với nấm linh chi giúp nâng cao sức khỏe, thiết kế bao bì giấy thân thiện môi trường… Qua những chiến lược này, doanh nghiệp kỳ vọng có thể tăng tỷ lệ tiêu thụ tại nội địa lên 30% như mục tiêu mà Hiệp hội Cà phê – Ca cao đang đề ra.
Kết thúc tháng 9/2020, xuất khẩu cà phê Việt Nam mới đạt 1,25 triệu tấn, trị giá 2,16 tỷ USD, giảm 1,4% về lượng và giảm 1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Dự kiến xuất khẩu cà phê cả năm 2020 sẽ xấp xỉ mức 2,8 tỷ USD như năm ngoái. Trước khó khăn trong xuất khẩu, việc thúc đẩy phát triển cà phê tại thị trường nội địa được cho là giải pháp giúp doanh nghiệp ứng phó hiệu quả. Bởi trong giai đoạn quy mô của thị trường cà phê Việt vào khoảng 20.000 tỷ đồng/năm song nhiều doanh nghiệp vẫn còn chưa chú trọng.