Sáng 20-8, tại Hà Nội, Viện nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Diễn đàn ‘Khuynh hướng tiêu dùng Việt Nam: Tương lai thanh toán trực tuyến và tiêu dùng online’.
Phát biểu tại diễn đàn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh Võ Trí Thành nhấn mạnh, tiêu dùng trực tuyến đã và đang là xu thế tất yếu trên toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng. Tại Việt Nam, trong vòng 5 năm trở lại đây, hình thức mua sắm trực tuyến đang ngày càng trở nên phổ biến và nhận được sự quan tâm lớn của người dân, nhất là sau khi dịch bệnh bùng phát, người tiêu dùng thay đổi thói quen mua sắm truyền thống sang tiêu dùng online nhiều hơn. Với gần 45 triệu người tham gia mua sắm trực tuyến, Chính phủ đặt mục tiêu tới năm 2025 có 55% dân số mua sắm trực tuyến và doanh số khoảng 35 tỷ USD. Đây chính là cơ hội hấp dẫn đối với các doanh nghiệp lựa chọn phương thức bán hàng trực tuyến, đưa phương thức này trở thành một xu hướng trong thời đại 4.0.
Ông Võ Trí Thành cũng cho rằng, việc thanh toán trực tuyến cũng đang là xu hướng hiện hữu khắp trên thế giới, khẳng định người tiêu dùng thông minh chỉ cần một chiếc điện thoại là tích hợp mọi thứ từ mua sắm đến tiêu dùng và làm giảm chi phí đi rất nhiều. “Thanh toán trực tuyến, tiêu dùng online sẽ thúc đẩy nhiều lĩnh vực phát triển, đặc biệt tạo sự minh bạch trong quản lý, thuận tiện cho người dùng”- ông Võ Trí Thành nhấn mạnh.
Nói về thực trạng thương mại điện tử (TMĐT) và thanh toán trực tuyến tại Việt Nam trong bối cảnh kinh tế mới, ông Lê Đức Anh, Giám đốc Trung tâm tin học và Công nghệ số, Cục TMĐT và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho biết, hiện xu hướng tiêu dùng online tại Việt Nam rất phát triển. Các mặt hàng được mua sắm nhiều nhất là thời trang, điện tử và mỹ phẩm. Tuy nhiên, theo ông Lê Đức Anh, có thực trạng là niềm tin của người tiêu dùng điện tử bị ảnh hưởng bởi quảng cáo sản phẩm quá với chất lượng thực tế. Do đó, nhiều giao dịch không diễn ra đối với những mặt hàng có giá trị cao.
Thảo luận tại diễn đàn, nhiều ý kiến cũng cho rằng, dù thanh toán trực tuyến đem lại nhiều lợi thế nhưng hiện nay việc thanh toán vẫn dùng tiền mặt là khá lớn. Nguyên nhân là do, người tiêu dùng vẫn còn lo ngại tình trạng hàng giả, hàng nhái tại các sàn TMĐT chưa được xử lý triệt để; cùng với đó, khách hàng lo ngại lộ lọt dữ liệu người dùng khi tiến hàng thanh toán trực tuyến. Theo đó, để người mua hàng sẵn sàng cho việc thanh toán online, không dùng tiền mặt, Chính phủ cần kiên quyết kiểm tra xử lý những sàn TMĐT bán hàng giả, hàng nhái không rõ nguồn gốc. Có chế tài và biện pháp mạnh mẽ, thậm chí rút giấy phép. Chỉ có vậy mới tạo được niềm tin cho người mua sắm và thanh toán online. Cùng với đó, có chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp TMĐT của Việt Nam tiếp cận nguồn vốn, chuỗi giá trị liên kết hàng Việt Nam bán trên sàn TMĐT của người Việt Nam; có chính sách liên kết trong việc thanh toán, an toàn bảo mật thông tin dữ liệu người dùng.