Chuyển dịch cơ cấu sản xuất, sản xuất đa cây, đa con đang được nông dân ĐBSCL hưởng ứng theo đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của các địa phương trong vùng.
TP Cần Thơ là đô thị lớn nhất vùng ĐBSCL, tập trung nhiều khu công nghiệp lớn. Với diện tích tự nhiên trên 140.000 ha, trong đó diện tích SX nông nghiệp ở các quận, huyện ngoại thành còn trên 92.000 ha. Đất SX 3 vụ lúa gần 88.000 ha, sản lượng đạt khoảng 1,2 triệu tấn.
Trên diện tích đất nông nghiệp không nhiều, thành phố chú trọng thực hiện chuyển SX nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và hiệu quả cao trên đơn vị diện tích đất. Từ năm 2019 đến nay, TP Cần Thơ thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp hiện đại. Nhân rộng mô hình SX lúa trên cánh đồng lớn, nâng cao chất lượng, giá trị lúa gạo.
Để SX nông nghiệp đáp ứng theo nhu cầu thị trường, thích ứng biến đổi khí hậu, TP Cần Thơ linh hoạt chuyển đổi mùa vụ, cây trồng trên đất lúa. Điển hình mô hình lúa-mè, lúa-bắp trên đất phù sa ven sông Hậu tập trung ở các quận Thốt Nốt, Ô Môn, các huyện Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh…
Đầu năm 2020, nhận định tình hình thị trường cây mè có thị trường tiêu thụ tốt và trước dự báo nắng hạn khá gay gắt trong mùa khô, trong vụ xuân hè, hè thu nông dân chuyển đổi từ lúa sang các loại cây trồng trên cạn, nhất là trồng mè. Diện tích cây mè đạt 2.340 ha, cao hơn 1.670 ha so với cùng kỳ và vượt hơn 1.000 ha so với kế hoạch.
Nhờ có thêm sự hỗ trợ của dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT), nông dân trồng mè được chuyển giao, áp dụng gói kỹ thuật mới năng suất đạt khoảng 13 giạ, tương đương 2 tấn/ha. Năng suất tăng hơn 700 kg/ha so canh tác mè theo tập quán cũ.
Theo tính toán chi phí SX từ mô hình 30 triệu đồng/ha. Theo giá hiện nay nông dân trồng mè đạt năng suất bình quân trên 1,4 tấn/ha, lãi khoảng 60-70 triệu đ/ha. Cây mè ít sử dụng nước và khả năng chống chịu sâu bệnh, khả năng thích nghi cao. Bài toán chuyển đổi SX lúa trên trên đất ruộng gặp khô hạn gay gắt trong vụ xuân hè, hè thu đã có lời giải.
Theo ông Lê Văn Tính, Phó Chánh chuyên trách Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới TP Cần Thơ, mỗi xã nên chọn 1 đến 3 cây trồng, ngành nghề có triển vọng để xây dựng mô hình đảm bảo phát triển SX bền vững, hiệu quả. Những năm qua nông dân rất chú trọng cải tạo vườn tạp, chuyển đổi vườn chuyên canh cây ăn trái đặc sản, phát triển theo hướng xuất khẩu.
Theo Cục Trồng trọt, sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP, đến năm 2020 kết quả chuyển đổi cây trồng trên đất lúa ở vùng ĐBSCL đạt gần 68.000 ha. Trong đó, đất trồng cây hằng năm trên 54.200 ha, đất trồng cây lâu năm trên 12.700 ha và nuôi trồng thủy sản trên 1.000 ha.
Về hiệu quả chuyển đổi cây trồng trên đất lúa vùng ĐBSCL năm 2019, đối với cây trồng hằng năm có doanh thu trên 178 triệu đ/ha, lợi nhuận hơn 113 triệu đ/ha, lợi nhuận tăng hơn trồng lúa gần 100 triệu đ/ha. Với cây trồng lâu năm có doanh thu bình quân đạt trên 607 triệu đ/ha, lợi nhuận hơn 207 triệu đ/ha, lợi nhuận tăng hơn trồng lúa khoảng 386 triệu/ha. Về nuôi trồng thủy sản, lợi nhuận thu được trên 40 triệu đ/ha và lợi nhuận tăng thêm trên 13 triệu đ/ha.
Tuy nhiên, trong quá trình chuyển đổi, theo phản ánh từ một số địa phương còn gặp hạn chế, do vùng chuyển đổi còn mang tính tự phát. Một số cây trồng khi chuyển đổi nhưng lại có lợi thế cạnh tranh kém, đầu ra tiêu thu sản phẩm chưa ổn định do quy mô SX nhỏ lẻ.
Chuyển đổi cây trồng trên đất lúa còn thiếu liên kết giữa SX và thu mua để tiêu thụ sản phẩm. Mặt khác, chính sách khuyến khích chuyển đổi cây trồng trên đất lúa chưa được thực hiện mạnh mẽ. Một số địa phương chưa tính toán chi tiết và phân tích đầy đủ giá trị SX trồng trọt nên việc khuyến cáo, tổ chức chuyển đổi chưa đạt hiệu quả cao.