Thị trường chứng khoán Việt Nam được FTSE Russell theo dõi nâng hạng lên nhóm thị trường mới nổi hạng 2 từ tháng 9/2018 tới nay và sẽ phải đợi tiếp tới tháng 9/2021.
Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn chỉ đáp ứng 7/9 tiêu chí
Theo thông báo mới được tổ chức cung cấp chỉ số FTSE Russell (Anh) công bố, Việt Nam tiếp tục nằm trong danh sách theo dõi để nâng hạng lên nhóm thị trường chứng khoán mới nổi hạng 2.
Theo FTSE, hiện tại Việt Nam đã và đang nằm trong danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi của tổ chức này từ tháng 9/2018. Dựa trên bảng các tiêu chí mới được sử dụng trong kỳ đánh giá tháng 3/2020 mà FTSE đưa ra thì hiện tại Việt Nam đã thỏa mãn 7 trên 9 tiêu chí để có thể được nâng hạng lên thị trường mới nổi loại hai (secondary emerging market).
2 tiêu chí còn lại chưa thỏa mãn là Thanh toán bù trừ – Ít xảy ra giao dịch thất bại (Settlement – Rare incidence of failed trades) và Chu kỳ thanh toán DvP (Settlement Cycle DvP) – hiện đang được đang đánh giá là “Không Đánh Giá” (N/A) và “Hạn Chế” (Restricted).
Theo FTSE, nguyên nhân của việc 2 tiêu chí trên vẫn chưa được đánh giá ở mức “Đạt” (Pass) đến từ quy định bắt buộc nhà đầu tư phải ký quỹ đủ tiền mặt trước khi được phép đặt lệnh giao dịch. FTSE đánh giá rằng quy định này đã khiến cho việc thanh toán bù trừ không được thực hiện đúng theo tiêu chuẩn và bản chất của mô hình DvP (Delivery versus Payment). Do vậy, tiêu chí Chu kỳ thanh toán DvP được đánh giá ở mức “Hạn chế” (Restricted). Thêm vào đó, cũng do quy định này, khả năng xảy ra giao dịch thất bại gần như là không tồn tại nên FTSE không thực hiện đánh giá tiêu chí này.
Kỳ vọng vào thời điểm 9/2021
Theo Công ty Chứng khoán VNDirect, có hai điểm nghẽn chính cần được giải quyết để nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam lên nhóm thị trường mới nổi của MSCI và FTSE, bao gồm giới hạn sở hữu nước ngoài (FOL) và đáp ứng tiêu chí về thanh toán bù trừ (đặc biệt là giải quyết được vấn đề yêu cầu phải có đủ tiền trước khi giao dịch).
“Hiện Việt Nam đã nỗ lực giải quyết nút thắt về vấn đề room ngoại bằng Luật Chứng khoán sửa đổi, Luật Doanh nghiệp sửa đổi và Luật Đầu tư sửa đổi đã được Quốc hội thông qua và dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/1/2021. Cùng với đó, Việt Nam cũng đang nỗ lực giải quyết điểm nghẽn về “Thanh toán bù trừ chứng khoán” bằng việc phối hợp với đối tác Hàn Quốc để triển khai hệ thống giao dịch chứng khoán mới dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2021”, VNDirect phân tích.
Cùng với đó, Việt Nam cũng dự kiến thành lập Trung tâm thanh toán bù trừ theo mô hình đối tác bù trừ trung tâm (Central counter Party – CCP). Theo VNDirect, với việc áp dụng mô hình thanh toán bù trừ mới này, Việt Nam hy vọng sẽ giải quyết được vấn đề “yêu cầu kiểm tra phải có đủ tiền trước khi giao dịch” như tại thời điểm hiện tại, từ đó gỡ được “nút thắt” quan trọng trong quá trình nâng hạng lên thị trường mới nổi của MSCI và FTSE.
Trong kịch bản tích cực, nếu Việt Nam hoàn thành triển khai hệ thống giao dịch chứng khoán mới trong nửa đầu năm 2021, VNDirect cho rằng Việt Nam có thể được đưa vào danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường chứng khoán mới nổi của MSCI trong kỳ đánh giá thị trường thường niên vào tháng 5/2021. Sau đó, Việt Nam có thể được thông báo nâng hạng lên thị trường mới nổi trong kỳ review thị trường thường niên của MSCI vào tháng 5/2022, và việc nâng hạng sẽ chính thức có hiệu lực một năm sau đó vào tháng 6/2023.
Trong kịch bản lạc quan, kỳ vọng thị trường chứng khoán Việt Nam có thể được thông báo nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp của FTSE trong kỳ đánh giá thị trường vào tháng 9/2021.
VNDirect cũng ước tính thị trường chứng khoán Việt Nam có thể hút dòng vốn ngoại lên tới 1,4 tỷ đến 1,9 tỷ USD nhờ được nâng hạng lên thị trường mới nổi, trong đó 779 triệu USD đến 1,04 tỷ USD sẽ đến từ các quỹ ETF mô phỏng theo chỉ số thị trường mới nổi của MSCI và FTSE; và 670 triệu đến 891 triệu USD từ các quỹ đầu tư chủ động đang tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các thị trường mới nổi.