Bộ Công Thương sẽ báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ Dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) và Dự thảo Đề án đánh giá môi trường chiến lược để gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định vào cuối tháng 10/2020.
Cần đầu tư 8 tỷ USD/năm
Theo Bộ Công Thương, nhu cầu điện đang và còn tiếp tục tăng trưởng nhanh. Với tốc độ tăng trưởng này, bình quân mỗi năm Việt Nam cần đưa thêm khoảng 5.000MW đến 6.000MW công suất nguồn điện và hệ thống lưới điện truyền tải, phân phối tương ứng đi vào vận hành. Tổng vốn đầu tư ước tính bình quân khoảng 8 tỷ USD/năm.
Trong khi đó, nguồn năng lượng sơ cấp đang cạn dần và khả năng cung cấp nguồn năng lượng sơ cấp hạn chế, dẫn đến tăng nhập khẩu nhiên liệu cho phát điện.
Tới thời điểm hiện tại, đã có nhiều biến động lớn trong phát triển điện lực. Bộ Công Thương điểm rõ, trước hết là Quốc hội đã quyết định dừng đầu tư nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.
Ngoài ra, Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 11/2017/QĐ–TTg và Quyết định số 13/2020/QĐ–TTg về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam; Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg được sửa đổi bổ sung tại Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam.
Các động thái này đã tạo ra sự bùng nổ của các dự án điện mặt trời, điện gió (chủ yếu là các nhà đầu tư tư nhân).
Ở góc độ nhiệt điện, theo Bộ Công Thương, sự chậm trễ và khó khăn trong việc xây dựng các nhà máy nhiệt điện (đặc biệt là các nhà máy điện sử sụng than); xây dựng nhiều nguồn điện không theo sát quy hoạch, phân bố trên vùng miền mất cân đối dẫn đến tăng thêm lượng điện truyền tải lãng phí, tổn thất truyền tải còn cao.
Sự phát triển của công nghệ trong sản xuất và truyền tải điện (đặc biệt là công nghệ điện mặt trời), dẫn tới khả năng giảm sâu giá thành sản xuất của loại hình này; sự xuất hiện của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có ảnh hưởng to lớn tới quá trình sản xuất, truyền tải và phân phối điện…
Đáng chú ý, đại diện lãnh đạo Bộ Công Thương cho hay, hiện tại chưa có Quy hoạch tổng thể kinh tế – xã hội, Quy hoạch phát triển năng lượng. Thời kỳ quy hoạch hiện đã kéo dài hơn (trước đây chỉ thời kỳ 10 năm có xét đến 10 năm tiếp theo, trong khi hiện tại là thời kỳ 10 năm có xét đến 20 năm).
Đổi mới xây dựng Quy hoạch điện VIII
Quy hoạch điện VIII được Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) “chấp bút” xây dựng trong bối cảnh hiện tại được ông Trần Kỳ Phúc, Viện trưởng Viện Năng lượng đánh giá là bối cảnh đặc biệt hơn các quy hoạch trước đó, dẫn đến có những khó khăn nhất định.
Cụ thể, Quy hoạch điện VIII được lập trong điều kiện một số chiến lược và quy hoạch nền tảng chưa được lập hoặc nếu có được lập thì cũng chưa được phê duyệt như: Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2021-2030; Quy hoạch tổng thể quốc gia; Quy hoạch sử dụng đất quốc gia.
Riêng Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến 2050 cũng được triển khai song song với Quy hoạch điện VIII.
“Ngoài ra, sự bùng nổ trong việc đăng ký đầu tư các dự án năng lượng tái tạo đặc biệt là các dự án điện gió, điện mặt trời trong thời gian qua cũng gây những khó khăn không nhỏ, đòi hỏi cách tiếp cận phù hợp hơn trong quy hoạch thiết kế, đầu tư và vận hành hệ thống điện”, ông Phúc nói.
Bộ Công Thương nhấn mạnh, đổi mới nổi bật trong Quy hoạch điện VIII là tính toán cân đối cho nhiều vùng chứ không giới hạn chỉ ở 3 vùng Bắc, Trung, Nam; xác định cân bằng cung-cầu, phương án phát triển nguồn và lưới trong từng vùng nhỏ và cả nước.
Ngoài ra, thay đổi tư duy và tiêu chí lập quy hoạch theo hướng mở để thuận tiện cho việc điều chỉnh quy hoạch nguồn, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Cấu trúc lưới điện có dự phòng cao hơn, đảm bảo tính linh hoạt trong vận hành và tích hợp nguồn năng lượng tái tạo.
Về tiến độ, Bộ Công Thương sẽ báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ Dự thảo Quy hoạch điện VIII và Dự thảo Đề án đánh giá môi trường chiến lược để gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định vào cuối tháng 10/2020.