Đóng vai trò quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, song công tác kiểm kê hiện vật vẫn còn những khó khăn, hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng hoạt động. Đã đến lúc cần có những cách làm phù hợp để khắc phục những vấn đề đặt ra, từng bước nâng cao hiệu quả công tác kiểm kê hiện vật trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Chăm sóc, bảo vệ các hiện vật tại Hành cung Cổ Bi (huyện Gia Lâm).
Nhiều khó khăn, hạn chế
Là một trong những địa phương đi đầu trong công tác kiểm kê hiện vật tại các di tích trên địa bàn Hà Nội, cuối năm 2019, huyện Gia Lâm hoàn thành kiểm kê hiện vật tại 188 di tích đã được xếp hạng và đang đề nghị xếp hạng, làm cơ sở số hóa dữ liệu quản lý di tích. Theo đó, mỗi di tích, sau khi được kiểm kê sẽ có một bộ hồ sơ quản lý, gồm: Phiếu kiểm kê, sơ đồ vị trí hiện vật; hồ sơ giá trị, hiện trạng hiện vật và thẻ nhớ dữ liệu. Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Gia Lâm Phùng Thị Hoài Hương cho biết, hoạt động này kéo dài trong ba năm với hàng nghìn hiện vật được kiểm kê.
“Quá trình kiểm kê giúp “phát lộ” nhiều hiện vật có giá trị lớn về văn hóa, lịch sử, song cũng nảy sinh nhiều khó khăn, tồn tại đi kèm, như: Sự tùy tiện, hạn chế trong bảo quản và tu bổ hiện vật; nguy cơ mất cắp cổ vật sau khi được làm rõ giá trị mà chưa có phương thức bảo vệ phù hợp… Đặc biệt, do thiếu hướng dẫn thống nhất và chi tiết về quy trình, phương pháp kiểm kê, hoạt động này chủ yếu dựa vào trình độ, năng lực và kinh nghiệm chuyên môn của đơn vị tư vấn”, bà Phùng Thị Hoài Hương chia sẻ.
Cũng vì chưa có hướng dẫn cụ thể, huyện Thanh Oai đang gặp không ít lúng túng khi xây dựng kế hoạch kiểm kê hiện vật tại các di tích trên địa bàn. Theo Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Thanh Oai Trần Văn Lợi, hiện tại mới chỉ tính đến kiểm đếm và lập sơ đồ hiện vật, ngăn chặn nguy cơ bị mất cắp hoặc đánh tráo, chưa thể kiểm kê sâu do thiếu cả kinh phí, con người và phương thức thực hiện sao cho khoa học, hiệu quả.
Thực tế, hoạt động kiểm kê hiện vật ở Hà Nội mỗi nơi làm một cách khác nhau. Không ít nơi xuất hiện tâm lý “nghe ngóng”, chưa triển khai, khiến việc tổ chức bảo quản, tu bổ hiện vật; tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ trong cộng đồng chưa kịp thời. Theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn thành phố xảy ra hàng chục vụ mất cắp cổ vật tại các quận, huyện: Chương Mỹ, Tây Hồ, Ứng Hòa, Thường Tín, Thanh Oai… Trước đó, không ít nơi xuất hiện hiện tượng tu bổ làm thay đổi tính nguyên bản của hiện vật, như sơn màu lòe loẹt lên hai mảng chạm cổ ở đền Phù Đổng, huyện Gia Lâm vào năm 2017 hay bảo quản chưa bảo đảm, khiến hàng trăm mộc bản quý tại chùa Đa Bảo, huyện Phú Xuyên bị hư hỏng.
Nâng cao hiệu quả bảo tồn, phát huy giá trị di sản
Được coi là phần hồn, góp phần không nhỏ quyết định giá trị văn hóa, lịch sử của di tích, di vật; hiện vật rất cần được kiểm kê, xác định giá trị, từ đó có cách thức bảo tồn và phát huy hiệu quả. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho rằng, cơ quan chuyên môn cần xây dựng, ban hành sớm quy chuẩn về kiểm kê hiện vật tại các di tích; hướng dẫn, tư vấn quy trình, phương thức thực hiện thống nhất và xuyên suốt, tránh tình trạng “mạnh ai nấy làm”, thiếu tham vấn về khoa học, dẫn đến lãng phí cả vật chất lẫn con người.
Theo Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Trần Đình Thành, Cục đã có văn bản gửi Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đề nghị truy tìm số cổ vật bị mất, đồng thời yêu cầu kiểm kê hiện vật tại các di tích bị mất cắp. Điều này giúp công tác quản lý hiện vật hiệu quả hơn, ngăn chặn tình trạng mất cắp cổ vật mà không có thông tin, dữ liệu để tìm lại.
Về vấn đề này, Trưởng ban Quản lý di tích – danh thắng Hà Nội (Sở Văn hóa và Thể thao) Nguyễn Doãn Văn cho biết: “UBND thành phố Hà Nội đã có Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố Hà Nội, trong đó nêu rõ: Định kỳ hằng năm, các đơn vị quản lý di tích cấp thành phố, UBND cấp huyện chỉ đạo kiểm kê hiện vật thuộc di tích đã được xếp hạng. UBND các quận, huyện, thị xã cần chỉ đạo các phòng, ban chức năng, các xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch rà soát, thống kê, vẽ sơ đồ bài trí di vật, hiện vật… Nếu gặp khó khăn, vướng mắc, có thể đề xuất với cơ quan chuyên môn hỗ trợ, tư vấn cách thức tổ chức thực hiện”.
Để thống nhất thực hiện, các địa phương, đơn vị đều mong muốn thành phố sớm ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc thống kê, kiểm kê di vật, hiện vật tại các di tích; đồng thời, các cơ quan chức năng của thành phố có những hướng dẫn cụ thể giúp công tác này mang lại hiệu quả thiết thực trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.