Sau 6 năm thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động ‘Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam’, nhiều chương đã có kết quả hết sức tích cực.
Trong đó có Chương trình tăng cường hoạt động liên kết trong chuỗi cung ứng hàng Việt Nam bền vững thông qua tổ chức các Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa.
Trong khuôn khổ thực hiện Đề án, Ban Chỉ đạo liên ngành thực hiện Đề án đã phê duyệt các Hiệp hội: Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, Phát triển hàng tiêu dùng, Các nhà Bán lẻ Việt Nam, Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam, Nữ Doanh nhân Việt Nam, Hội Khoa học và Công nghệ Lương thực, thực phẩm Việt Nam…;
Đối với địa phương là các Sở Công Thương: Lâm Đồng, Thanh Hóa, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đồng Tháp, Thừa Thiên Huế, Sơn La,… tổ chức trên 70 Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa.
Các Hội nghị kết nối cung cầu đã đem lại kết quả khả quan, thu hút được hàng nghìn đại biểu đến từ các tỉnh, thành trên cả 3 miền Bắc – Trung – Nam và đã có nhiều biên bản thỏa thuận, biên bản ghi nhớ hợp tác trong việc kết nối cung cấp sản phẩm, hợp tác giao thương được ký kết giữa các nhà sản xuất và doanh nghiệp phân phối.
Các thỏa thuận hợp tác về việc hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất, phân phối và tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ của nhau, tăng cường hoạt động liên kết trong chuỗi cung ứng hàng Việt Nam bền vững; đồng thời còn có rất nhiều doanh nghiệp tiếp tục gặp gỡ, trao đổi, tìm hiểu khả năng cung ứng, nhu cầu tiêu thụ để xúc tiến, liên kết hợp tác với nhau trong thời gian tới.
2 địa phương có kết quả nổi bật nhất là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Thành phố Hồ Chí Minh
Đã mở rộng tổ chức Hội nghị kết nối cung cầu với các địa phương trên cả nước, góp phần hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh bạn, trở thành cầu nối để các Doanh nghiệp giữa các tỉnh, thành tiếp xúc, trao đổi thông tin, nắm bắt nhu cầu tiêu thụ, hỗ trợ các địa phương đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối, mở rộng thị trường các nước lân cận như Lào, Campuchia, Myanmar…
Lũy kế đến nay, có 2.283 hợp đồng đã được ký kết; riêng hội nghị kết nối cung cầu năm 2018 đã kết nối thành công 397 hợp đồng.
Lồng ghép tổ chức Hội nghị kết nối cung cầu với các hoạt động triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Đối với các chương trình an toàn thực phẩm, bình ổn thị trường, đã kịp thời cập nhật, chia sẻ thông tin thị trường, điều phối hàng hóa, phối hợp xử lý biến động thị trường.
Đồng thời, xây dựng vùng nguyên liệu, tạo nguồn hàng bình ổn thị trường; hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm các địa phương, ưu tiên hàng nông sản, đặc sản đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, được nuôi trồng theo quy trình VietGap, GlobalGap; hướng đến xây dựng thương hiệu đối với các mặt hàng nông sản, đặc sản ở từng địa phương, vùng, miền; nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống phân phối phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu,..
Thành phố Hà Nội
Chương trình liên kết vùng, kết nối giao thương giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố đã tổ chức thành công 4 Hội nghị giao thương, kết nối cung- cầu hàng hóa giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố từ năm 2016- 2019, sự kiện thu hút đông đảo doanh nghiệp của khoảng 50 tỉnh, thành phố tham dự;
Tổ chức trên 30 đoàn cán bộ, doanh nghiệp thực hiện Chương trình liên kết vùng, kết nối giao thương tại các tỉnh, thành phố: Sơn La, Hà Giang, Bắc Kạn, Bình Thuận, An Giang, Cà Mau…;
Mời doanh nghiệp Hà Nội tham gia trên 50 hội nghị, hoạt động giao thương kết nối cung- cầu hàng hóa tại các tỉnh, thành phố: Hồ Chí Minh, Nam Định, Bắc Kạn, Sơn La, Yên Bái, Bắc Giang, Lạng Sơn, Đà Nẵng, Lâm Đồng, Cần Thơ, An Giang…;
Hỗ trợ các tỉnh, thành phố tổ chức khoảng 30 tuần hàng trái cây, nông sản các tỉnh, thành phố tại Hà Nội và các kênh phân phối trên địa bàn Thành phố; Thông tin, hỗ trợ 250 lượt doanh nghiệp Hà Nội đăng ký tham gia Hội chợ, triển lãm tại các tỉnh, thành phố trên cả nước;
Hỗ trợ sản phẩm các địa phương quảng bá, giới thiệu trên 3.000 sản phẩm trên Trang thông tin nông sản an toàn của thành phố Hà Nội…; tạo điều kiện để sản phẩm của 28 tỉnh, thành phố tham gia quảng bá tại các kênh phân phối nước ngoài (Aeon- Nhật Bản, Lotte- Hàn Quốc, Central Group- Thái Lan…).
Nhờ việc kết nối cung cầu này, hàng hóa được lưu thông thuận lợi, thúc đẩy sản xuất phát triển; người tiêu dùng được sử dụng hàng có chất lượng, giá cả hợp lý, mẫu mã phong phú.
Các doanh nghiệp phân phối có nguồn hàng ổn định với đa dạng đặc sản vùng miền thu hút khách hàng, từ đó tăng doanh thu và mở rộng hệ thống phân phối, góp phần phát triển thương mại trong nước liên tục tăng trưởng, thúc đẩy sản xuất hàng hóa trong nước và thu hút các nguồn vốn đầu tư.
Chưa bao giờ hoạt động kết nối cung cầu lại được phát triển mạnh mẽ như thời gian này, kết nối từ người nông dân, công nhân, người lao động vùng sâu, vùng xa đến với các chuỗi hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi hiện đại nhất trải dài khắp cả nước, góp phần tăng tỷ lệ hàng Việt Nam tại các cơ sở bán buôn, bán lẻ hiện đại.